Thị trường bất động sản đang ghi nhận sự ấm trở lại tại một số khu vực. Kịch bản sốt đất liệu bùng trở lại vào giai đoạn đầu năm 2022 là dự báo mà nhiều nhà đầu tư đang đặt ra.
Thị trường bất động sản đang ấm lại. Nhìn lại giai đoạn trước của thị trường bất động sản dưới tác động của 3 đợt Covid-19, sốt đất đều ghi nhận xảy ra cục bộ. Thậm chí đến đầu năm 2021, sốt đất còn bùng nổ ở nhiều địa phương.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng nhận định, tại thời điểm cuối quý I, đầu quý II/2021 đã xảy ra hiện tượng tăng giá, thậm chí “sốt giá” tại một số phân khúc bất động sản. Theo đó, Giá giao dịch căn hộ chung cư ở nhiều dự án, đặc biệt tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều tăng khoảng 5-7%.
Giá giao dịch nhà ở riêng lẻ trong các dự án tại nhiều địa phương tăng bình quân khoảng 8-10% (tích lũy cả hai quý, giá nhà ở riêng lẻ tại nhiều địa phương có mức tăng khoảng 15 – 20% so với mức quý IV/2020). Trong đó, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương là những địa phương có mức giá bình quân tăng cao.
Giá đất nền tại một số điểm cục bộ của một số địa phương có mức ghi nhận tăng cao như: vùng ven Thủ đô Hà Nội như Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (45%), một số điểm thuộc các tỉnh như Hòa Bình (46%), Bắc Ninh (20%), Hưng Yên (26%) và ngoài ra nhiều nơi như Thanh Hóa; Biên Hòa, Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai,…cũng ghi nhận hiện tượng giá đất nền tăng rất nhanh trong thời gian ngắn.
Mặc dù sau đó, giá đất nền nóng cục bộ nhanh chóng hạ nhiệt khi chính quyền địa phương vào cuộc đồng thời dưới tác động của đợt Covid-19 lần thứ 4 khiến thị trường gần như rơi vào tình trạng “ngủ đông” trong một thời gian dài.
Đến thời điểm hiện tại, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, diễn biến của thị trường bất động sản không còn tái diễn kịch bản “bùng nổ” mạnh mẽ như giai đoạn đầu năm 2021. Song, theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư, lượng giao dịch mua – bán trên thị trường đang từng bước dần sôi động trở lại. Đặc biệt, một số khu vực đang ghi nhận tình trạng giá tăng đột biến cục bộ, theo tuần.
Theo chia sẻ của anh Kiều Thắng (nhà đầu tư Hà Nội), phân khúc nhà thấp tầng ở vùng ven Hà Nội đang diễn ra rất sôi động. Có môi giới bán liền tay 3 căn biệt thự trong 3 ngày. Giá biệt thự, nhà phố tại khu vực Bắc Ninh cũngghi nhận mỗi tuần một giá. Trung bình mỗi tuần, giá nhà thấp tầng chênh 200-500 triệu.
Nhà đầu tư đã bắt đầu đi xem dự án tấp nập và thị trường bất động sản đang ấm lại
Trong khi đó, ông Cao Minh Thành, Tổng giám đốc MLAND Pro cũng chia sẻ, thị trường phân khúc nhà thấp tầng các khu vực như Hoài Đức, Thạch Thất, Hà Đông khá sôi động. Tình trạng nhiều dự án ngay trong ngày mở bán ghi nhận hết giỏ hàng đã xảy ra.
“Thị trường đang rất tốt”- đó là nhận định của ông Thành khi nhắc đến diễn tiến của thị trường bất động sản trong thời gian gần đây. Ông Thành còn cho rằng, một trong lý do khiến thị trường tốt đến từ nguồn cung trên thị trường đang co hẹp trong khi lực cầu vẫn lớn.
Thực tế, trước đó, khi Hà Nội chuyển sang trạng thái bình thường mới, tâm lý e ngại vẫn còn xuất hiện. Không ít nhà đầu tư còn bán cắt lỗ nhẹ ngay khi hết chính sách giãn cách xã hội nhưng đến tháng 11, bước sang tháng 12, guồng xoay của thị trường đã trở nên sôi động.
Tâm lý e ngại đã phá bỏ khi nhà đầu tư cho rằng, trạng thái bình thường mới đã duy trì thực sự khi việc sống chung với dịch bệnh là điều tất yếu. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vaccine gia tăng rõ rệt. Các đường bay cũng đã dần mở lại. Các nhà đầu tư mạnh dạn cho kế hoạch “săn hàng” đẩy lượng giao dịch mua – bán và giá cả tăng nhanh chóng.
Với tâm lý lạc quan và mạnh dạn xuống tiền của nhà đầu tư hiện tại, nhiều dự báo cho rằng, sốt đất có thể trở lại và “bùng mạnh” vào năm sau dựa trên dư địa tốt hiện tại.
“Hiện tại thị trường rất sôi động ở nhiều khu vực. Giá bất động sản tăng mạnh. Thị trường còn đang thiếu hụt nguồn cung ở nhiều phân khúc. Với dư địa đang sôi động như hiện tại, thị trường bất động sản khả quan cũng sẽ sốt bùng mạnh trở lại vào thời điểm đầu năm 2022”, anh Nguyễn Nhật (một nhà đầu tư có kinh nghiệm hơn 10 năm tại Hà Nội) dự báo.
Trước đó, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, nguồn cung trên thị trường sụt giảm mạnh bởi dịch bệnh và chính sách chưa được tháo gỡ triệt để. Trong khi đó, nhu cầu về bất động sản lớn nhưng do ảnh hưởng bởi dịch nên giao dịch trên thị trường thường xuyên đối mặt với tình trạng đứt gãy, gián đoạn.
Rõ ràng, với kịch bản nguồn cung sản phẩm còn tiếp tục khan hiếm, lực cầu vẫn tốt. cộn hưởng lực đỡ từ nhà đầu tư F0, sự nóng lên của thị trường bất động sản trong giai đoạn tới như dự báo là điều hoàn toàn có cơ sở.